Thời điểm đánh bắt cua nâu rộn ràng nhất tại Na Uy
Khi nhắc đến cua Na Uy, mọi người thường chú ý đến cua Hoàng đế hay cua Tuyết (cua Tuyết còn được gọi là cua Nhện). Nhưng trên thực tế, cua nâu mới là loài cua phổ biến nhất với người dân Na Uy.
Cua nâu phổ biến vì chúng sinh sôi ở hầu hết các vùng biển Na Uy, thời gian đánh bắt quanh năm không bị hạn chế, dụng cụ đánh bắt dễ làm và thịt đầy. Với kích thước lớn và nhiều thịt, săn cua nâu cũng đã trở thành một hoạt động thường ngày được yêu thích, thú vui của nhiều người dân Na Uy.
Theo báo cáo quan sát thị trường nghề cá và hải sản biển của châu Âu, cua nâu (Cancer pagurus) là một loài sinh vật sống ở đáy biển – những khu vực nhiều cát, sỏi và đá. Chúng sống được ở độ sâu 6 – 100m, nhưng phổ biến nhất là từ 6 – 40m.
Về mặt phân bố, cua nâu được tìm thấy ở Đông Đại Tây Dương, từ phía bắc Ma-Rốc, dọc theo bờ biển Châu Âu ven Đại Tây Dương, đến quần đảo Anh và bắc Na Uy. Ở Na Uy, loài cua biển này có thể được tìm thấy với mật độ dày dọc theo bờ biển toàn quốc, từ Skagerrak ở phía nam cho đến Troms ở phía bắc và xuất hiện lẻ tẻ đến tận Bắc Cực.
Cua nâu có thân nặng, hình bầu dục và có thể dễ dàng nhận biết bằng màu của lớp vỏ và càng có màu đen. Cua nâu trưởng thành có thể khác nhau về màu sắc, chủ yếu là màu nâu đỏ xen kẽ các mảng màu nâu vàng, trong khi cua non có thể có màu đỏ tía hơn. Lớp vỏ cua có thể đạt chiều dài tối đa là 20 cm và chiều rộng tối đa là 30 cm, nhưng kích thước phổ biến nhất là chiều rộng dưới 24 cm.
Mùa đánh bắt và quy định đánh bắt cua nâu Na Uy
Tại Na Uy, người dân được phép bẫy cua nâu quanh năm. Tuy nhiên, chính vụ diễn ra là từ tháng 7 đến tháng 11 khi cua đặc thịt. Đội tàu đánh bắt chủ yếu là các tàu nhỏ, có chiều dài dưới 11m và đánh bắt nhiều loại hải sản, không chỉ riêng cua nâu. Năm 2018, hơn 400 tàu thuyền ở Na Uy đã ghi nhận thu được cua nâu khi cập bến.